Truy cập hiện tại

Đang có 154 khách và không thành viên đang online

Phản hồi dư luận

Báo cáo kết quả giải quyết, phản hồi dư luận xã hội

(TGAG)- Ngày 15/9/2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành Báo cáo số 334-BC/BTGTU về kết quả phản hồi tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội. Tuyên giáo An Giang đăng toàn văn.

Sau khi nhận được báo cáo tình hình dư luận xã hội (DLXH) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, làm rõ và báo cáo phản hồi DLXH, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp kết quả như sau:

1. Sở Y tế

Liên quan nội dung dư luận lo ngại “tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở các địa phương trong tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, cùng với đó là sự xâm nhập của dịch bệnh COVID-19 biến mới (BA.4, BA.5) tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời sự xuất hiện nhiều loại dịch bệnh khác (tay chân miệng, bệnh cúm A, B…) làm gia tăng nguy cơ “dịch chồng dịch” trên địa bàn tỉnh”.

Tính đến ngày 17/7/2022, số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh là 8.404 ca, tăng 502% (8.404/1.396) so với cùng kỳ năm 2021. Nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức, hành vi trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, ngành y tế đã tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức qua Báo An Giang, Đài PT – TH An Giang, bản tin nội bộ của Sở, đồng thời qua, các trang mạng xã hội… . Đối với dịch COVID-19: Tại An Giang, nhìn chung tình hình dịch trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 25/07/2022 toàn tỉnh ghi nhận 9.613 ca (tháng có số ca mắc cao nhất là tháng 3/2022 với 3.796 ca). Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang quay trở lại tại nhiều nước trên thế giới với số ca mắc tăng cao mỗi ngày liên quan đến biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron. Tại Việt Nam, đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Trước tình hình trên, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch như: Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống dịch; tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc-xin, để người dân tự nguyện tham gia tiêm; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh liều nhắc lại (lần 1, lần 2) cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt tỷ lệ bao phủ theo đúng tiến độ phân bổ vắc-xin. (Theo Báo cáo số 2403/SYT-NVY, ngày 26/7/2022 của Sở Y tế về phản hồi DLXH).

2. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)

2.1. “Trước tình hình sách giáo khoa tăng giá, nhất là đối với những khối lớp buộc thay sách mới, có nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên kiến nghị ngành chức năng có giải pháp huy động nguồn lực xã hội mua thêm sách giáo khoa, để các em thuộc diện hộ gia đình khó khăn mượn nhằm giảm bớt chi phí đầu năm học”.

Những năm qua, Sở GDĐT đã thực hiện nghiêm quy định của Bộ GDĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Sở GDĐT thường xuyên hướng dẫn các đơn vị tổ chức quyên góp sách, tập vở, trang thiết bị đọc sách... tặng lại cho học sinh nghèo và các trường vùng khó khăn.

Ngày 10/06/2022, Bộ GDĐT đã ban hành Chỉ chị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Sở GDĐT sẽ tổ chức hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Bộ GDĐT cho các cơ sở giáo dục với mục tiêu: (1) Đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sử dụng lại lâu bền; (2) Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.(3) Không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ GDĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào. Đặc biệt lưu ý “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành vì sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh hoạ sinh động, hấp dẫn; khổ sách 19 x 26,5cm. Để hỗ trợ cho mọi học sinh có đủ sách giáo khoa đến trường, nhà xuất bản sẽ tiếp tục thực hiện công tác xã hội như tặng sách giáo khoa cho con các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Theo Công văn số 1795/SGDĐT-VP, ngày 17/6/2022 của Sở Giáo dục - Đào tạo về phản hồi DLXH).

2.2. Liên quan đến “vụ việc một số học sinh nữ đánh nhau tại Trường THCS Quản Cơ Thành (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận”.

Sau khi nắm được thông tin vụ việc, Sở GDĐT đã yêu cầu Phòng GDĐT huyện Châu Thành nhanh chóng phối hợp với ngành chức năng xác minh, làm rõ vụ việc; xử lý theo quy định pháp luật, thấu đáo, hợp tình, hợp lý; không để hình ảnh học sinh đánh nhau tiếp tục phát tán trên mạng xã hội; ổn định hoạt động của nhà trường và tâm lý học sinh, nhất là các em có liên quan đến vụ việc, động viên và tạo điều kiện để các em đi học bình thường.

Qua sự việc này, Sở cũng đã chỉ đạo các Phòng GDĐT, cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, xây dựng môi trường học đường thân thiện, an toàn, lành mạnh; đảm bảo an ninh, trật tự trong trường học, phòng chống bạo lực học đường… (Theo Báo cáo số 40-BC/ĐU, ngày 04/7/2022 của Sở Giáo dục - Đào tạo về phản hồi DLXH).

3. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)

“Dư luận lo ngại giá cát hiện nay tăng rất cao (có những lúc cát san lấp lên giá 400.000đ/m3, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của các công trình, nhà ở người dân) sẽ dẫn đến tình trạng khai thác, vận chuyển cát lậu, không có giấy tờ hợp pháp… ngày càng diễn biến phức tạp”.

Hiện nay, tỉnh đang cấp phép khai thác 09 khu mỏ cát sông, tổng trữ lượng còn lại tính đến năm 2022 của các khu mỏ là khoảng 15,3 triệu m3. Qua 6 tháng đầu năm 2022, trước nhu cầu các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và vùng ĐBSCL ngày càng tăng thì việc khan hiếm nguồn cát là rất lớn. Trước tình hình trên, Sở TN&MT đã đề xuất, bố trí các khu mỏ được cấp phép khai thác theo hình thức không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các dự án nạo vét chỉnh trị có thu hồi khoáng sản huy động 100% trữ lượng để cung cấp cát làm vật liệu san lấp cho công trình trọng điểm vốn ngân sách nhà nước của tỉnh, các tuyến đường trọng điểm của tỉnh và của Trung ương đi qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao và việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông kết nối kết nối vùng ĐBSCL, kết nối các tuyến đường tỉnh vào tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, đường vành đai, tỉnh lộ... và hệ thống giao thông nông thôn cần khối lượng cát san lấp rất lớn với khoảng hơn 40 triệu m3. Do đó, mặc dù hiện nay đã cố gắng cân đối từ tất cả các nguồn như huy động trữ lượng tài nguyên từ mỏ cát, nạo vét thông luồng và chỉnh trị dòng chảy để tận thu nguồn vật liệu san lấp nhưng khả năng thời gian tới sẽ mất cân đối và thiếu hụt sẽ xảy ra.

Giải pháp quản lý hiện nay và trong thời gian tới: UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động đối với các khu mỏ được cấp phép khai thác khoáng cát sông. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cát sông trên địa bàn tỉnh. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản cát sông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh… Nhìn chung, những năm gần đây, qua công tác kiểm tra, giám sát hàng năm đối với các đơn vị được cấp phép khai thác cát sông cho thấy, hầu hết các đơn vị đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tình hình hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp; công tác kiểm tra các phương tiện vận chuyến cát sông không có hóa đơn, hóa đơn không hợp pháp được kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên đã góp phần kiểm soát sản lượng khai thác và vận chuyến cát lậu của các doanh nghiệp, tránh thất thu ngân sách nhà nước; các bãi, vựa và điểm bán vật liệu cát sông từng bước được chấn chỉnh, việc kinh doanh đã đảm bảo thủ tục theo quy định. (Theo Công văn số 128-CV/ĐU, ngày 11/7/2022 của Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường về báo cáo phản hồi DLXH).

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)

“Một số nơi, bà con nông dân còn bức xúc trước tình trạng “cò lúa” và thương lái lợi dụng tình hình thời tiết để ép giá, cùng với đó là tình trạng gian lận (cân non, cân thiếu...), đã làm tăng chi phí sản xuất, đồng thời, giảm lợi nhuận của bà con nông dân”.

Vụ Hè Thu vừa qua, tình hình thu hoạch và tiêu thụ nông sản thuận lợi, giá lúa tăng thêm 100đồng/kg trên 2 giống OM5451 và OM18, các giống còn lại đều có giá tiêu thụ khá tốt từ 5.500đ - 6.500đ/kg tùy loại giống (tham khảo thông tin giá cả thị trường tại trang Web Sở NN&PTNT ngày 01/8/2022). Chỉ cá biệt một số nơi có giá bán thấp hơn do thu hoạch trùng vào thời điểm có mưa kéo dài, giữa người dân và thương lái không có hợp đồng thu mua nên thương lái không thực hiện theo thỏa thuận. Ngoài ra, do nông dân bán lúa tươi, không phơi sấy và dự trữ như trước đây nên bị động về vấn đề thương lượng giá cả nên vẫn còn xảy ra tình trạng như phản ánh.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã định hướng, thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân sản xuất ổn định và giảm chi phí trong thời gian tới, trong đó, giải pháp quan trọng là cần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp (Tập đoàn Lộc trời, Tập đoàn Tân Long, Công ty cổ phẩn Xuất nhập khẩu Angimex, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương...) nhằm đảm bảo được mua và tiêu thụ sản phẩm ổn định, thu nhập bền vững cho bà con.

Củng cố, nâng chất các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tổ hợp tác (THT) hiện có; xây dựng và hỗ trợ những Liên hiệp HTX, HTX, THT trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và tiêu thụ sản phẩm, gắn với ứng dụng công nghệ cao... Đây là hướng đi cốt lõi, đảm bảo cho liên kết sản xuất bền vững, nông dân sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chất lượng cao, dần kiểm soát được giá cả sản xuất.

Tăng cường tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của Ngành Nông nghiệp và địa phương đảm bảo cân đối sản lượng cung cầu nhằm đảm bảo được mua và tiêu thụ sản phẩm ổn định, thu nhập bền vững cho bà con; bên cạnh đó, hướng dẫn tập huấn cho bà con các kỹ năng về đàm phán hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh để thực hiện hợp đồng… (Theo Công văn số 42-CV/ĐUSNNPTNT, ngày 08/8/2022 của Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phản hồi DLXH).

5. Sở Nội vụ

“Công tác bầu cử Trưởng khóm, ấp nhiệm kỳ 2022 - 2027; bầu Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2022 - 2024 gắn với bầu hòa giải viên cơ sở hiện được dư luận người dân rất quan tâm. Người dân mong ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, đặc biệt là trong việc chọn lựa nhân sự tham gia ứng cử Trưởng khóm, ấp”.

Theo quy định của UBND tỉnh (Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 19/6/2019) thì “ấp, khóm không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. Đồng thời, để cuộc bầu cử Trưởng ấp, khóm đi vào thực chất, sát với thực tế của địa phương, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương theo quy định của UBND tỉnh (Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 19/6/2019) “Trên cơ sở thống nhất với Chi ủy chi bộ, Ban công tác Mặt trận ấp, khóm đề cử danh sách để Hội nghị của ấp, khóm bầu Trưởng ấp, khóm; tại hội nghị này, cử tri tại ấp, khóm có thể tự ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử. Căn cứ kết quả bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận Trưởng ấp, khóm”. Do đó, công tác tổ chức bầu cử Trưởng ấp, khóm thuộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhằm đảm bảo quyền của Nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện Dân chủ cơ sở.
Liên quan đến việc hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bầu cử Trưởng ấp, khóm nhiệm kỳ 2022-2027, Sở Nội vụ đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành một số văn bản nhằm phối hợp triển khai công tác bầu cử; tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn công tác bầu cử cho các ngành, các cấp và Hướng dẫn liên tịch về tổ chức bầu cử Trưởng ấp, khóm nhiệm kỳ 2022-2027 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đối với nội dung dư luận kiến nghị về tiêu chuẩn của Trưởng ấp, khóm. Ngày 05/8/2022, Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 1349/SNV-CCHC&XDCQ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn nhân sự để giới thiệu bầu Trưởng ấp, khóm nhiệm kỳ 2022-2027.

Hiện tại, Hội nghị triển khai, hướng dẫn công tác bầu cử Trưởng ấp, khóm nhiệm kỳ 2022-2027, bầu Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2022-2024 gắn với bầu hòa giải viên cơ sở đã tổ chức xong. Sở Nội vụ tiếp tục theo dõi, cập nhật tiến độ triển khai công tác bầu cử ở các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương. (Theo Công văn số 18-CV/ĐUSNV, ngày 08/8/2022 của Đảng ủy Sở Nội vụ về phản hồi DLXH).

6. Công an tỉnh

6.1. “Việc người dân có thể đến công an xã, phường, thị trấn để thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) từ ngày 21/5/2022 được dư luận người dân rất quan tâm. Dư luận mong ngành chức năng triển khai, thực hiện tốt; đồng thời, cần có kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng cán bộ lợi dụng để tiêu cực”.

Thực hiện Thông tư của Bộ Công an (Thông số 15/2022/TT-BCA và Thông tư số 16/2022/TT-BCA), ngày 13/5/2022 Công an tỉnh đã ra Quyết định số 1834/QĐ-PC08 về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm trong công tác cấp, thu hồi đăng ký biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an cấp huyện, Công an cấp xã thuộc Công an tỉnh. Theo đó, trong ngày 21/5/2022, Công an huyện và 110 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện phân cấp đăng ký, cấp biển số xe trong tỉnh đã đồng loạt triển khai thực hiện ngày đầu đăng ký phương tiện giao thông.

Sau một tuần triển khai phân cấp đăng ký xe, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ xây dựng kế hoạch để kiểm tra, hướng dẫn công tác đăng ký xe, trong đó thành lập 03 đoàn trực tiếp kiểm tra các điểm đăng ký xe trên toàn tỉnh để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký xe. Bước đầu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký xe trong thời gian tới, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số nội dung như: Thường xuyên quán triệt tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm Điều lệ, quy trình công tác, lễ tiết, tác phong khi tiếp xúc với Nhân dân, nhất là cán bộ, chiến sỹ thực hiện công tác đăng ký xe tại Công an cấp xã; phối hợp cơ quan truyền thông địa phương làm tốt công tác tuyên truyền; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng cán bộ làm nhiệm vụ nhũng nhiễu, tiêu cực. (Theo Công văn số 2373/CAT-PC08, ngày 20/6/2022 của Công an tỉnh về phản hồi DLXH).

6.2. “Tình hình cho vay nặng lãi “tín dụng đen” vẫn còn diễn biến rất phức tạp, dư luận mong ngành chức năng tiếp tục quan tâm, có biện pháp đấu tranh, xử lý, ngăn chặn”.

Thời gian qua, mặc dù Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân, đồng thời nhiều chương trình hỗ trợ tài chính của hệ thống ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được triển khai cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cá nhân vì nhiều lý do khác nhau vẫn tìm đến “tín dụng đen” bất chấp rủi ro về lãi suất, về khả năng trả nợ. Hiện nay, xuất hiện tình trạng các cơ quan, đơn vị và người dân bị các số điện thoại lạ gọi, nhắn tin đe dọa, lấy hình ảnh cá nhân ghép đăng lên mạng xã hội, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự, uy tín người vay, bạn bè, người thân của người vay, gây bức xúc trong lãnh đạo các ngành, các cấp và Nhân dân.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm đấu tranh với loại tội phạm này. Trong đó, đặc biệt là thành lập Tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh để đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”. Khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án liên quan đến “tín dụng đen” đã xảy ra, truy bắt các đối tượng gây án đang bỏ trốn, đẩy nhanh tiến độ điều tra. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án lựa chọn những vụ án điểm để đưa ra xét xử lưu động, nhằm răn đe phòng ngừa… (Theo Công văn số 2808/CAT-PV01, ngày 20/7/2022 của Công an tỉnh về phản hồi DLXH).

7. Công ty Cổ phần Điện Nước An Giang

“Người dân phản ảnh tình trạng nước sinh hoạt ở một vài địa bàn (Thành phố Long xuyên, huyện Tri Tôn, Chợ Mới...) thời gian qua bị vẩn đục, có mùi khác lạ; đặc biệt hiện nay, khi mùa lũ đang đến gần, người dân rất mong ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà máy cung cấp nước, nhằm đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt của người dân ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Tình trạng nước sinh hoạt ở một vài địa bàn (Thành phố Long xuyên, huyện Tri Tôn, Chợ Mới...) thời gian qua bị vẩn đục, có mùi khác lạ: Vấn đề này, Công ty Điện Nước An Giang đã có nắm bắt từ trước và đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục trong thời gian qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Riêng người dân địa bàn xã An Tức, huyện Tri Tôn (do Trạm cấp nước Ô Lâm cung cấp) phản ánh nước vẫn còn bị vẩn đục do hoạt động của Công ty Khai thác Khoáng sản An Bình xả thải trực tiếp ra kênh Ninh Phước 1 làm ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại trạm cấp nước Ô Lâm (vị trí xả thải cách trạm cấp nước khoảng 350 mét, nằm trong khu vực vùng bảo hộ cấp nước được UBND tỉnh phê duyệt). Qua nhiều lần làm việc, mặc dù Công ty Khai thác Khoáng sản An Bình đã khắc phục nhưng vẫn chưa xử lý triệt để. Do đó, Công ty CP Điện Nước An Giang đã tiến hành cải tạo lại nhằm đảm bảo chất lượng nước cung cấp ra mạng lưới, đến nay thì chất lượng nước cung cấp ra mạng lưới đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để cũng như để đảm bảo cấp nước an toàn và liên tục cho khoảng 2.430 hộ khách hàng trong khu vực, Công ty tiếp tục phối hợp với địa phương cùng các ngành chức năng và đơn vị liên quan có biện pháp, giải quyết dứt điểm vấn đề xả thải trực tiếp ra kênh, cống thoát nước nông nghiệp của Công ty Khai thác Khoáng sản An Bình. (Theo Công văn số 574/CTCPĐN-PKTN, ngày 05/7/2022 của Công ty CP Điện Nước An Giang về phản hồi DLXH).

8. UBND thành phố Long Xuyên

8.1. “Việc các ngành chức năng thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát số lượng lồng bè của người dân nuôi cá trên sông Hậu tại các xã, phường (Bình Khánh, Bình Đức, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa Hưng) để tiến hành di dời theo dự án chỉnh trị dòng chảy trên sông Hậu của tỉnh. Dư luận người dân hoan nghênh, ủng hộ chủ trương này, mong ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận di dời; chuẩn bị chu đáo, có biện pháp, kế hoạch hỗ trợ và đảm bảo sinh kế của người dân sau khi di dời”.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh giao UBND thành phố rà soát, di dời các bè cá tập trung gần khu vực cồn Phó Ba, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và khu vực hạ lưu dự án Khu đô thị mới Tây sông Hậu (phường Mỹ Quý) đến nơi quy hoạch được phê duyệt nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường và phòng, chống sạt lở. UBND thành phố đã phối hợp các ngành chức năng của tỉnh tiến hành khảo sát và kiểm đếm số lượng lồng bè (282 lồng, bè) neo đậu không đúng nơi quy định cần phải di dời đến nơi quy hoạch đã được phê duyệt.

Qua khảo sát cụ thể từng khu vực, UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT sớm xây dựng Đề án sắp xếp lồng, bè nuôi thủy sản trên sông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND thành phố xây dựng phương án di dời, bố trí nơi neo đậu cho các hộ bè cá theo đúng quy định chung của tỉnh. Thành phố tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè, sắp đặt lại vị trí của từng lồng, bè nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, từng bước sắp xếp neo đậu lồng bè theo đúng quy định. Thời gian tới, thành phố tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động để các hộ đồng thuận, chấp hành di dời; chuẩn bị chu đáo có biện pháp, kế hoạch hỗ trợ thỏa đáng theo đúng quy định khi di dời và đảm bảo sinh kế của người dân sau khi di dời để phát triển nuôi thủy sản lồng, bè của địa phương gắn với Đề án khai thác và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Mỹ Hòa Hưng gắn với chợ nổi Long Xuyên, làng bè Mỹ Hòa Hưng. (Theo Báo cáo số 163/BC-UBND, ngày 27/5/2022 của UBND thành phố Long Xuyên về phản hồi DLXH).

8.2. “Dư luận bức xúc về hoạt động của quán bar Beer Club Marina (dưới chân cầu Hoàng Diệu) gây ồn ào, biểu diễn nghệ thuật xúc phạm lãnh tụ”.

Sau khi nhận được phản ánh, thành phố đã chỉ đạo ngành chức năng thành phố phối hợp Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, xác minh và lập biên bản vi phạm. UBND thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính, đồng thời tiếp tục theo dõi, củng cố hồ sơ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

8.3. “Người dân mong muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp đường Ung Văn Khiêm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông”.

Công trình nâng cấp đường Ung Văn Khiêm do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng khu vực thành phố làm chủ đầu tư có thời gian thi công 210 ngày. Vừa qua, tiến độ thi công có chậm khoảng 02 tuần do xử lý kỹ thuật trong quá trình thi công, mặt bằng. Đơn vị chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thi công có biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường và phân luồng giao thông trong quá trình lắp đặt hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải. Trong quá trình thi công phần nào đã ảnh hưởng đến việc lưu thông, sinh hoạt của người dân dọc theo tuyến đường, rất mong nhận được sự thông cảm của người dân.

8.4. “Người dân chưa hài lòng, bức xúc phản ánh thái độ phục vụ không tốt của một vài cán bộ, nhân viên Trạm Y tế phường Mỹ Bình, dư luận kiến nghị ngành chức năng quan tâm chấn chỉnh.

Trạm Y tế phường Mỹ Bình thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ, có thái độ phục vụ hòa nhã, ân cần với người dân. Thời gian tới, ngành Y tế thành phố tổ chức tập huấn các lớp kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt đối với đội ngũ y, bác sĩ trẻ để thực hiện tốt nhiệm vụ.(Theo Báo cáo số 177/BC-UBND, ngày 16/6/2022 của UBND thành phố Long Xuyên về phản hồi DLXH).

8.5. “Tình trạng các nắp cống bị lấy cắp hoặc bị rỉ sét sụp xuống hố cống… trên các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Ung Văn Khiêm, Thành Thái, Nguyễn Thượng Hiền… làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường”.

Giai đoạn 2017 - 2019, thành phố thực hiện nâng cấp đồng bộ 168 tuyến đường trong đô thị, trong đó: vỉa hè, canh xanh, hố ga, lưới chắn rác… thực hiện theo quy cách chung của thành phố nhằm đồng bộ tất cả các tuyến đường sau khi được nâng cấp. Sau thời gian khai thác, sử dụng do ảnh hưởng của các phương tiện giao thông, công tác nạo vét, vệ sinh hố ga, bị mất cắp… nên hiện nay một số lưới chắn rác (nắp cống) hư hỏng, xuống cấp. UBND thành phố đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các phường, xã rà soát, kiểm tra, thống kê… đề xuất phương án, tham mưu UBND thành phố khắc phục, sửa chữa kịp thời; chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. (Theo Báo cáo số 227/BC-UBND, ngày 26/7/2022 của UBND thành phố Long Xuyên về phản hồi DLXH).

9. Thị ủy Tân Châu

9.1. “Trên địa bàn thị xã hiện có 16 trường mầm non, mẫu giáo trải đều 14 xã, phường, tuy nhiên, hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của người dân, dư luận kiến nghị ngành chức năng quan tâm, khuyến khích mở thêm trường, cơ sở giữ trẻ”.

Năm học 2021-2022, trên địa bàn thị xã có 11 trường mẫu giáo, 5 trường mầm non công lập với 40 điểm trường trải đều 14 xã, phường với 133 lớp huy động 3.895/4.600 cháu, đạt tỉ lệ: 84,67%. Ở bậc học mầm non trẻ từ độ tuổi 0-3 tuổi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh ngày càng tăng, nhưng cơ sở vật chất hiện tại một số điểm trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tình trạng thiếu giáo viên so với định mức ảnh hưởng lớn đến việc mở thêm các lớp. Trước thực trạng trên, Phòng GDĐT tiếp tục tham mưu UBND thị xã xây dựng thêm 38 phòng học mới cho 11 điểm trường chính và 18 điểm trường phụ, theo Đề án đầu tư cơ sở vật chất chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó Phòng GDĐT tích cực thực hiện thẩm định các hồ sơ cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu mở các nhóm trẻ tư thục để UBND xã, phường ban hành quyết định.

9.2. “Người dân phản ánh cống xả nước thải thuộc khu vực Hố Chuồng – xã Vĩnh Hòa giáp ranh với ấp Hòa Tân - xã Tân Thạnh xả thải làm sạt lở chân đê, ảnh hưởng việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, đồng thời dẫn tới nguy cơ gây ngập úng vùng Bàu Ốc Láng Dợp - xã Tân Thạnh”.

Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hòa đã làm việc với các chủ nuôi cá phía sau trực tiếp xả thải vào hệ thống cống để có giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đồng thời phối hợp UBND xã Tân Thạnh có phương án khắc phục để tạo điều kiện cho nông dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp cũng như vận chuyển nông sản.

9.3. “Tuyến lộ từ Bến phà Châu Giang đến cầu 26/3 giáp ranh Phú Hiệp, huyện Phú Tân lưu lượng xe tham gia giao thông cao, tuy nhiên mặt đường nhỏ, nhiều nơi xuống cấp, gây khó khăn cho việc lưu thông”.

Tuyến lộ từ Bến phà Châu Giang đến cầu 26/3 giáp ranh Phú Hiệp, huyện Phú Tân hiện lưu lượng xe tham gia tương đối cao, đặc biệt sau khi cầu Châu Đốc – Tân Châu hình thành dự kiến lưu lượng xe tham gia giao thông sẽ càng tăng. Do đó, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này là cần thiết. Ủy ban nhân dân thị xã ghi nhận, sẽ làm việc với Sở Giao thông vận tải xem xét, đề xuất.

9.4. “Dư luận phản ánh Kênh Vĩnh An đoạn từ phường Long Phú đến xã Phú Vĩnh... dòng kênh bị bồi lắng, rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất người dân”.

Nhận thấy Kênh Vĩnh An đoạn từ phường Long Phú đến xã Phú Vĩnh dòng kênh bị bồi lắng, rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất người dân, do đó, UBND thị xã đang triển khai Dự án san lắp kênh Vĩnh An (Đoạn Long Phú - Phú Vĩnh) phường Long Phú, nhằm sắp xếp bố trí dân cư và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

9.5. “Người dân phường Long Sơn phản ánh tình trạng các em học sinh chạy xe gắn máy với tốc độ cao trên tuyến lộ sau Sông Tiền”: Ngay từ đầu năm 2022 Công an thị xã đã chỉ đạo lực lượng CSGT-TT xây dựng kế hoạch phối hợp Công an các phường, xã tăng cường tổ chức tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn. Qua đó phát hiện lập biên bản xử lý 663 trường hợp vi phạm về TTATGT đường bộ. Đến nay tình trạng các em học sinh chạy xe gắn máy với tốc độ cao trên tuyến đường lộ sau sông Tiền đã giảm. (Theo Báo cáo số 161-BC/TU và Báo cáo số 162-BC/TU ngày 15/8/2022 của Thị ủy Tân Châu về kết quả xử lý một số phản ánh DLXH).

10. UBND huyện An Phú

“Cầu (cũ) tại khu vực ấp An Hưng, thị trấn An Phú (gần trung tâm Y tế huyện) đang bị xuống cấp, kết cấu (thép) bên dưới cầu bị rỉ sét nguy cơ tai nạn, sập cầu có thể xảy ra. Người dân mong ngành chức năng cảnh báo, có biện pháp khắc phục sửa chữa”.

Cầu treo kênh mới thị trấn An Phú được đầu tư đưa vào sử dụng năm 2010 từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp, qua thời gian sử dụng đến nay đã xuống cấp, tuy nhiên vẫn còn sử dụng được nhưng với tải trọng thấp, Huyện đã có lắp đặt biển báo hiệu tải trọng. Năm 2019, huyện tiến hành xây dựng cầu mới cặp bên thay thế cầu cũ từ nguồn vốn vận động của đồng chí Trương Tấn Sang (nguyên Chủ Tịch nước). Hiện nay, Huyện vẫn còn tận dụng cầu cũ, tuy nhiên thời gian tới huyện sẽ có phương án xây dựng lại cầu mới và đang vận động mạnh thường quân thực hiện. (Theo Báo cáo số 81-BC/BTGHU, ngày 04/7/2022 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Phú về phản hồi DLXH).

11. UBND huyện Phú Tân

“Bãi rác thải nằm trên lề đường tỉnh 951 tại ấp Hòa Lợi, xã Phú Hiệp tồn tại đã lâu, gây ô nhiễm môi trường làm cho người dân rất bức xúc, đề nghị ngành chức năng quan tâm kịp thời khắc phục”.

Do tập quán người dân trên địa bàn xã Phú Hiệp chủ yếu sinh sống cặp lộ cũ sông Hậu, đường nhỏ nên xe thu gom rác của Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện không vào thu gom được. Địa phương đã tổ chức hợp đồng nhân công thu gom rác bằng phương tiện xe kéo tay, tuy nhiên quá trình thực hiện đã làm phát sinh ô nhiễm (do khi thu gom rác lên xe làm rơi vãi xuống nền đất nên việc vệ sinh chưa đảm bảo). Bên cạnh đó, một số người dân qua lại xả rác không đúng nơi, làm rơi vãi xuống lề đường, lâu ngày làm phát sinh ô nhiễm. Địa phương đã tiến hành đổ đất tạo mặt bằng phía trong lề đường mở rộng nơi lưu chứa và vệ sinh quét dọn hàng ngày; tiếp tục cải tạo, láng xi măng khu vực tập kết xe rác; bố trí thêm xe rác kéo tay để đảm bảo cho việc lưu chứa, không đổ rác ra khỏi xe; làm việc, chấn chỉnh người thu gom rác hàng ngày không để rác rơi vãi, tồn đọng... (Theo Báo cáo số 1642/BC-UBND, ngày 22/6/2022 của UBND huyện Phú Tân về phản hồi DLXH).

12. UBND huyện Thoại Sơn

12.1. “Đoạn lộ nông thôn liên xã thuộc khu vực bờ Tây đê kênh Rạch Giá- Long Xuyên (tại tổ 8, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ) có dấu hiệu răn nứt, sụp lún với chiều dài trên 70m, ăn sâu vào 1,5m ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Người dân mong chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng sớm khắc phục, bảo vệ, gia cố đoạn sụp lún để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, tránh nguy cơ sạt lở nghiêm trọng hơn”.

Tuyến Tây kênh Rạch Giá Long Xuyên sạt lở với chiều dài khoảng 70m, ăn sâu mặt đường giao thông hiện hữu khoảng 2,5m (tại vị trí thuộc số nhà 133, Tổ 8, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, cách cầu Thoại Hà 4 khoảng 700m về phía Bắc). Khi xảy ra sạt lở, UBND huyện, Ban Chỉ huy ƯPBĐKH – PCTT & TKCN phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang đã đến hiện trường khảo sát và chỉ đạo UBND xã Định Mỹ treo đèn báo hiệu, giăng dây cảnh báo và vận động người dân trong khu vực đốn hạ các cây nhằm đảm bảo an toàn cho đoạn đê hạn chế sụp lún. Ngày 16/6/2022, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang đã báo cáo tình hình sạt lở nêu trên về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, chỉ đạo phương hướng khắc phục. UBND huyện đang tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang bàn giải pháp, sớm khắc phục, gia cố đoạn sụp lún để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.

12.2. “Người dân phản ánh tuyến đường Chợ Trường Tiền thuộc ấp Trung Phú 3, Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú bị xuống cấp đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Người dân mong chính quyền địa phương quan tâm khắc phục, sửa chữa, nâng cấp để giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn”.

Tuyến đường Chợ Trường Tiền thuộc ấp Trung Phú 3, Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú (tuyến Bắc kênh Trường Tiền), chiều dài khoảng 6 km, mặt đường đất rải đá cấp phối, đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Vừa qua, Phòng Kinh tế Hạ tầng cũng đã làm việc với UBND xã Vĩnh Phú thống nhất thực hiện duy tu, sửa chữa tuyến đường nêu trên để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Kinh phí thực hiện từ nguồn vận động nhân dân đóng góp. Đề nghị UBND xã Vĩnh Phú tổ chức họp dân vận động bà con nhân dân đồng tình ủng hộ và đóng góp để sớm triển khai thực hiện. (Theo Báo cáo số 658/UBND-TH, ngày 20/7/2022 của UBND huyện Thoại Sơn về phản hồi DLXH).

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
37200965